Dù bước vào vụ sản xuất Đông Xuân năm nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo Chi cục BVTV tỉnh khuyến cáo các địa phương, nông dân tăng cường diệt chuột. Tuy nhiên, nạn chuột đã phát sinh khá mạnh gây thiệt hại cho diện tích lúa gieo sạ trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo thống kê của ngành chức năng, đến thời điểm này, diện tích lúa Đông Xuân bị chuột gây hại lên đến hàng trăm ha, với mức độ thiệt hại trung bình từ 5-10%. Trong đó, các huyện có diện tích lúa bị chuột cắn phá khá nặng là Tuy Phước: 96 ha, Hoài Ân: 20 ha, An Nhơn: 11 ha, Hoài Nhơn: 15 ha, Phù Cát: 17 ha, Phù Mỹ: 10 ha, Vĩnh Thạnh: 7 ha…
Theo nhiều hộ nông dân, năm 2010, do mưa lũ không lớn nên chuột ít bị chết; đến nay, khi lúa đang giai đoạn trổ đòng thì chuột bùng phát mạnh. Ông Nguyễn Trọng Lý (ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), có đám ruộng 3 sào lúa bị chuột phá hại, buồn rầu cho biết: “Năm nay, không biết từ đâu mà chuột xuất hiện nhiều thế, diệt hoài vẫn không hết. Cứ sau mỗi đêm, lũ chuột cắn phá đám ruộng nhà tôi với tỉ lệ thiệt hại từ 3-5%. Tôi đã dùng các biện pháp để tiêu diệt chuột, như dùng bạt nylon rào xung quanh ruộng, đánh bả thuốc, dùng dầu nhớt bôi quanh bờ ruộng… nhưng vẫn không hiệu quả. Nếu lũ chuột cứ tiếp tục cắn phá, e rằng năng suất lúa vụ này sẽ bị sụt giảm”.
Theo giải thích của ông Lý, nếu chỉ đơn phương diệt chuột một mình giữa cánh đồng rộng lớn mà không có sự ra quân đồng loạt của bà con xung quanh thì hiệu quả không cao. Việc đánh bả chuột cũng chỉ hiệu quả trong thời gian đầu, nhưng sau đó ít hôm, bỏ bả cũng không tác dụng vì chuột đánh hơi rất nhạy.
Ở các huyện: An Nhơn, Phù Cát, Hoài Ân… tình hình chuột gây hại lúa Đông Xuân cũng xảy ra khá phổ biến. Tại các cánh đồng thuộc thị trấn Bình Định (huyện An Nhơn) có rất nhiều thửa ruộng bị chuột cắn phá khi lúa đang chuẩn bị trổ bông, nông dân phải dùng bao nylon, cờ, hình nộm… để xua đuổi chuột. Ông Lê Văn Hùng, canh tác 5 sào ruộng lúa ở đây, cho biết: “Bà con làm ruộng chỉ có được vụ Đông Xuân là chính. Vậy mà lũ chuột bùng phát đã gây hại nặng diện tích lúa của gia đình tôi. Mấy ngày nay, tôi đã dùng nhiều biện pháp để diệt chuột nhưng kết quả vẫn chưa khả quan lắm. Do đặc điểm các vùng ruộng ở địa phương khá gần nhà dân nên lượng chuột sinh sản rất lớn và rất khó tiêu diệt. Biện pháp dùng bạt nylon để rào xung quanh ruộng các vụ sản xuất, trước được xem là hạn chế lũ chuột rất tốt, nhưng vụ này cũng chẳng ăn thua. Cái khó hiện nay là các chủ ruộng xung quanh chưa tích cực phối hợp với nhau trong việc diệt trừ chuột nên khó mang lại hiệu quả”.
* Tăng cường vận động nông dân diệt chuột
Để tăng cường công tác diệt chuột, ngành Nông nghiệp tỉnh đã có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương vận động nông dân triển khai đồng bộ các biện pháp diệt chuột bảo vệ mùa màng. Chi cục BVTV tỉnh, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư, Phòng Nông nghiệp các địa phương… trên địa bàn tỉnh đã nhập cuộc cùng với nông dân ra quân diệt chuột. Trong đó, các biện pháp nông dân sử dụng rất hiệu quả hiện nay như, đặt bẫy, đào hang, đánh bã… để tiêu diệt, hạn chế chuột sinh sản phá hoại mùa màng.
Theo ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, cách diệt chuột trong thời gian qua vẫn chưa mang lại hiệu quả cao vì hầu như các hộ nông dân mạnh ai nấy làm, thiếu tính cộng đồng và thường xuyên. Phương pháp diệt chuột còn khá sơ sài, không tiêu diệt được tận gốc ổ chuột. Chẳng hạn, bẫy cây trồng là phương pháp có nhiều ưu điểm, Chi cục BVTV đã xây dựng các mô hình chứng minh và phổ biến, nhưng các địa phương và nông dân lại ít áp dụng. Việc đào bắt tận ổ chuột sinh sản là phương pháp thủ công hữu hiệu nhưng ít được nông dân thực hiện; họ chỉ đơn thuần là đánh bả hoặc cắm cờ để xua đuổi chuột nên kết quả không cao.
Bên cạnh đó, điều đáng lo hiện nay là nhiều nông dân đang sử dụng thuốc hóa học diệt chuột thay vì dùng thuốc sinh học Bi-ô-rát có nhiều ưu điểm hơn. Thậm chí, có nông dân còn lén lút dùng điện để diệt chuột, rất nguy hiểm. Chi cục BVTV tỉnh đã yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp diệt chuột. Theo kinh nghiệm đúc kết, để diệt chuột có hiệu quả không thể làm đơn lẻ “ruộng ai nấy lo”, mà cần có sự tổ chức, phối hợp diệt chuột đồng loạt trên phạm vi rộng cả cánh đồng. Đặc biệt, áp dụng các phương pháp như bẫy cây trồng, đặt bẫy sắt bán nguyệt bằng mồi cua sống, hoặc đào hang bắt… mới mang lại hiệu quả.
Nguyễn Hân
SÀI GÒN PEST CONTROL
0